Đăng vào ngày: 24/03/2021
Sự thiếu hụt chip trên toàn cầu đang bị ảnh hưởng đến các ngành công nghệ, nhà sản xuất từ ô tô, smartphone, máy tính nghiêm trọng.
Người tiêu dùng trên toàn thế giới đang phải đối mặt với sự gia tăng về giá cả và tình trạng thiếu hụt các sản phẩm từ TV, điện thoại di động đến ô tô. Và thậm chí cả máy chơi game, trong bối cảnh sự thiếu hụt về chất bán dẫn ngày càng tăng.
Trên thực tế, tình trạng thiếu chip, “bộ não” trong mọi thiết bị điện tử trên thế giới, đang ngày càng trở nên tồi tệ kể từ năm ngoái. Ban đầu, vấn đề chỉ là sự trì hoãn tạm thời về nguồn cung do các nhà máy đóng cửa khi đại dịch COVID-19 lần đầu tiên bùng phát. Tuy nhiên, mặc dù hoạt động sản xuất đã trở lại bình thường, nhưng sự gia tăng về nhu cầu mới do các thói quen bị thay đổi trong bối cảnh đại dịch đã thúc đẩy tình trạng này tới “điểm khủng hoảng”.
Trong khi đó, nhu cầu cho các thiết bị làm việc tại nhà như laptop, smartphone lại tăng mạnh. Các loại máy chơi game cũng tương tự. Do đó, các hãng cung ứng chip nhanh chóng dịch chuyển từ sản xuất linh kiện ô tô sang smartphone, laptop. Trên thực tế, lượng sản xuất chip toàn cầu đang cao hơn bao giờ hết. Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA) cho biết doanh số chip trong tháng 1/2021 đạt 40 tỷ USD, tăng 13,2% so với một năm trước đó.
Đến nay, khi các hãng xe rục rịch đẩy mạnh sản xuất trở lại, tình trạng khủng hoảng chip lập tức trầm trọng. Các nhà sản xuất đang phải tranh giành nhau cho những đơn hàng chip để đảm bảo sản xuất không bị gián đoạn.
Tình trạng khan hiếm chip đang khiến các nhà sản xuất ô tô như Ford, Toyota, Volkswagen đều phải cắt giảm sản xuất trong vài tháng qua vì không tìm đủ nguồn cung cấp. Sony cũng gặp khó bởi nhu cầu cho máy chơi game PS5 quá lớn, trong khi nguồn cung chỉ có hạn. Microsoft phải cắt giảm sản xuất dòng máy chơi game Xbox Series X. Trong khi điển hình cuộc khủng hoảng chất bán dẫn lại đến từ Samsung, công ty mua chip lớn thứ hai thế giới cho các sản phẩm của mình chỉ sau Apple. Đầu tuần này, công ty cho biết họ có thể phải hoãn lại việc ra mắt smartphone cao cấp do tình trạng khan hiếm, mặc dù bản thân nó cũng là nhà sản xuất chip lớn thứ hai thế giới.
“Bị ảnh hưởng nặng nề nhất là lĩnh vực ô tô vì là những vị khách đến bữa tiệc cuối cùng. Nếu Apple đang chi 56 tỷ USD mỗi năm và con số tiếp tục tăng trưởng thì bạn sẽ chọn ai để giữ nguồn cung cấp đầu tiên?”, Campling nói.
Sự thiếu hụt chip có vẻ vẫn sẽ tiếp diễn trong một thời gian nữa. Có thể mất tới hai năm để các nhà máy sản xuất chất bán dẫn phức tạp đi vào hoạt động. Trong khi các nhà sản xuất đang trong quá trình tăng giá đáng kể lần thứ hai trong vòng chưa đầy một năm.
Nhu cầu chip được dự báo tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới khi các quốc gia trên toàn cầu hướng tới mục tiêu 5G và các loại ô tô công nghệ cao.
(Nguồn: Tổng hợp Internet)
Linh
Chip được ứng dụng nhiều trong công nghiệp, đa số đều cần có chip bên trong