Đăng vào ngày: 25/09/2021
Sự non trẻ và tiềm năng tăng trưởng lớn của thương mại điện tử Việt khiến Alibaba tin rằng có thể giúp Lazada – nền tảng của công ty giành lại vị trí số một Đông Nam Á từ tay Shopee.
Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2017, Jack Ma tham gia một hội thảo về thanh toán điện tử. Ông khiến khán phòng ngỡ ngàng với những chia sẻ về tương lai, trong đó có tương lai tiêu dùng không tiền mặt cho Việt Nam, giống như những gì Trung Quốc đã thành công trước đó.
“Người dân cần ngân hàng để phát triển nhưng ngân hàng còn cần người dân hơn. Khi xã hội không còn tiền mặt, mọi thứ được số hoá và minh bạch. Không ai có thể lừa dối ai”, vị tỷ phú này nói.
Thái độ coi thường ngân hàng truyền thống của Jack Ma có từ lâu và gần đây khiến ông gặp không ít rắc rối. Sau khi Jack Ma công khai chỉ trích các nhà điều hành tài chính tại Trung Quốc, giới chức nước này đã tăng cường kiểm soát các công ty trong hệ sinh thái Alibaba. Đỉnh điểm là thương vụ IPO được chờ đón của Ant Group phải dừng lại. Thực tế này có thể khiến Alibaba muốn đẩy mạnh các tham vọng mở rộng ra quốc tế mà cụ thể là Đông Nam Á.
Tại Việt Nam, Alibaba và Baring Private Equity Asia dẫn dắt vòng đầu tư 400 triệu USD vào Masan Group. Đây được xem là một động lực với Lazada, sàn thương mại điện tử mà Alibaba sở hữu. Lazada có thể mở rộng mối quan hệ với WinMart, một chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi của Masan. Khoản đầu tư này còn mang ý nghĩa lớn lao cho những tham vọng của Alibaba ở Đông Nam Á, một khu vực Alibaba sẽ không muốn đứng thứ 2.
Tech in Asia phân tích, Alibaba muốn tận dụng nhu cầu thị trường ở mảng đồ ăn tươi sống trực tuyến bởi họ có lợi thế so với đối thủ sau khi thực hiện thâu tóm RedMart vào năm 2016. Hiện Shopee, Grab và nhiều công ty tỷ USD khác cũng đang muốn nắm lấy cơ hội này.
Tuy nhiên thực hiện kế hoạch này không dễ và tốn rất nhiều tiền trong bối cảnh tình hình kinh doanh của Alibaba không khả quan. Alibaba vừa ghi nhận quý kinh doanh lỗ đầu tiên sau khi cơ quan quản lý Trung Quốc áp dụng án phạt 2,8 tỷ USD liên quan đến chống độc quyền.
Ngoài Lazada, Alibaba cũng chi mạnh tay khoảng 1,1 tỷ USD mỗi vòng gọi vốn trong vài năm qua cho sàn thương mại điện tử Indonesia Tokopedia.
Không khó hiểu khi Alibaba dành sự quan tâm cho thị trường Việt Nam. Năm ngoái, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng 2,9% bất chấp đại dịch. Số hộ gia đình thuộc tầng lớp trung lưu dự đoán chạm mốc 17 triệu vào năm 2030.
Ngoài Lazada, Alibaba chưa có hoạt động nổi bật tại Việt Nam mặc dù đã thực hiện một số khoản đầu tư lớn. Năm 2019, Alibaba mua một lượng cổ phần lớn trong ví điện tử eMonkey. EWTP Capital, quỹ 600 triệu USD do Alibaba và Ant Group hỗ trợ, đã rót 50 triệu USD vào Ficus, một nhóm công ty bán lẻ, logistics và công nghệ tại Việt Nam. Vừa qua, Bace Capital, công ty có quan hệ với Alibaba, cũng đầu tư vào startup công nghệ bảo hiểm Papaya.
Kenny Ho, Giám đốc đầu tư khu vực Đông Nam Á của Alibaba cho biết, sự kết hợp giữa kinh nghiệm của Alibaba, sàn thương mại điện tử Lazada và mạng lưới của Masan sẽ là chất xúc tác để hiện đại hoá ngành bán lẻ. Sau thương vụ này, WinMart sẽ là nhà bán lẻ đồ tươi sống ưu tiên trên Lazada. Còn các cửa hàng WinMart chuyển đổi thành điểm nhận hàng của các đơn hàng trực tuyến.
Angus Mackintosh, người sáng lập CrossASEAN Research, nhận định khoản đầu tư tại Việt Nam là một động thái giành giật thị trường đối với cả Alibaba và Lazada. Gojek cũng từng thực điều tương tự khi thâu tóm đơn vị vận hành chuỗi siêu thị Hypermart tại Indonesia. “Alibaba hay Gojek sở hữu cổ phần chiến lược trong một đơn vị bán lẻ có ý nghĩa trong việc đảm bảo nguồn cung và tiếp cận mạng lưới phân phối ngay lập tức”, Mackintosh nói. Alibaba sẽ tham gia vào một “sân chơi” khá đông đúc ở mảng giao đồ tươi sống trực tuyến với sự tham gia của Grab, Shopee, Tiki và Bách Hoá Xanh.
Thành Dương (theo TechInAsia)
Phúc Nguyên
Nước VN mình nhiều tiềm năng quá mà.
Lan
Giá nhân công rẻ và thị trường nhiều tiềm năng là yếu tố quan trọng để nước ngoài đầu tư